Gói kích thích kinh tế-Stimulus Package là gì?
Đó là thuật ngữ dùng để chỉ các chính sách tài khoá. Các gói kích thích được dùng để vực dậy hoạt động kinh tế trong thời kỳ kinh tế suy yếu qua cách làm tăng tổng cầu.
1. Gói kích thích kinh tế là gì?
Gói kích thích kinh tế (Stimulus Package) là các biện pháp kinh tế được chính phủ sử dụng nhằm trợ giúp hoặc hồi phục nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái bằng cách gia tăng việc làm và chi tiêu. Khi hàng hoá và dịch vụ được mua nhiều hơn, tiền thuế hoàn lại cho người dân sẽ được sử dụng để mua sắm thì cầu sẽ không giảm xuống, các doanh nghiệp sẽ không phải sa thải công nhân, như vậy cầu sẽ ngừng giảm và ngăn chặn nền kinh tế suy thoái.
2. Cách hoạt động của gói kích thích kinh tế
Gói kích thích kinh tế bao gồm các ưu đãi và giảm thuế do chính phủ đưa ra nhằm tăng chi tiêu trong nỗ lực kéo đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế hoặc để chấm dứt tình trạng nền kinh tế tăng trưởng chậm.
Gói kích thích kinh tế có thể bao gồm các chính sách kích thích tiền tệ, kích thích tài khóa và nới lỏng định lượng:
Kích thích tiền tệ (Monetary Stimulus)
Kích thích tiền tệ liên quan đến việc cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Khi lãi suất được cắt giảm, người dân có nhiều động lực vay hơn vì chi phí vay giảm. Khi các cá nhân và doanh nghiệp vay nhiều hơn, có nhiều tiền hơn trong lưu thông, ít động lực hơn để tiết kiệm và nhiều động lực hơn để chi tiêu. Việc hạ lãi suất cũng có thể làm suy yếu tỷ giá hối đoái của một quốc gia, do đó thúc đẩy xuất khẩu. Khi xuất khẩu tăng, nhiều tiền hơn vào nền kinh tế, khuyến khích chi tiêu và kích thích nền kinh tế.
Kích thích tài khóa (Fiscal Stimulus)
Khi một chính phủ lựa chọn kích thích tài khóa cho gói kích thích kinh tế, chính phủ đó sẽ cắt giảm thuế hoặc tăng chi tiêu để phục hồi nền kinh tế. Khi thuế được cắt giảm, mọi người có nhiều thu nhập hơn theo ý của họ. Thu nhập khả dụng tăng có nghĩa là mọi người có nhiều tiền hơn để chi tiêu, điều này thúc đẩy nhu cầu, sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Khi chính phủ tăng chi tiêu, chính phủ sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng chi tiêu và cuối cùng chống lại tác động của suy thoái.
Nới lỏng định lượng (Quantitative Easing)
Nới lỏng định lượng là một phương thức của ngân hàng trung ương để kích thích kinh tế bằng cách mua một số lượng lớn tài sản tài chính, chẳng hạn như trái phiếu, từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác. Việc mua những tài sản này với số lượng lớn làm tăng dự trữ dư thừa mà các tổ chức tài chính nắm giữ, tạo điều kiện cho vay, tăng cung tiền trong lưu thông, đẩy giá trái phiếu lên, giảm lợi tức và giảm lãi suất. Chính phủ thường sẽ lựa chọn nới lỏng định lượng khi một biện pháp kích thích tiền tệ thông thường không còn hiệu quả.
3. Các gói kích thích kinh tế trong thực tiễn
Suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 đã dẫn đến các gói kích thích kinh tế toàn cầu chưa từng có của chính phủ trên thế giới. Tại Mỹ, gói kích thích kinh tế giá 787 tỉ USD năm 2009 bao gồm một loạt các khoản giảm thuế và chi tiêu cho các dự án nhằm tạo ra nhiều việc làm và giúp nền kinh tế Mỹ hồi sinh nhanh chóng. Gói kích thích kinh tế này bao gồm các khoản cắt giảm thuế trị giá 288 tỉ USD, 275 tỉ USD được phân bổ cho các hợp đồng liên bang và trợ cấp để thúc đẩy tạo ra việc làm, 224 tỉ USD cho hỗ trợ thất nghiệp, chăm sóc sức khỏe và giáo dục để giữ cho nền kinh tế phát triển.
Hay như mới đây, vào ngày 11/3/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt bút kí vào Dự luật chuyển giao gói cứu trợ trị giá 1.900 tỉ USD, dành cho các cơ quan liên bang và các tiểu bang, hàng triệu học sinh, sinh viên, công nhân và một phần cho chương trình tiêm chủng vacxin ngừa Covid-19 của Mỹ.
Những đối tượng đầu tiên được tiếp cận gói cứu trợ sẽ là các hộ gia đình, dưới hình thức các tấm séc được phát tận tay từng hộ ngay trong tuần này, giúp xoa dịu những khó khăn do đại dịch gây ra đối với những người đang thất nghiệp và lâm vào cảnh túng thiếu, cũng như những người vẫn giữ được việc làm.
Trong thời gian còn lại của năm, gói cứu trợ này được kỳ vọng sẽ giúp nâng mức thu nhập quốc dân của Mỹ lên khoảng 3-4%, và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo vốn có trước khi đại dịch xuất hiện.
Có thể nói, gói kích thích kinh tế là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực khi nền kinh tế suy thoái. Hy vọng rằng, qua bài viết này, các bạn đã hiểu thêm về ý nghĩa và tầm quan trọng của các gói kích thích này.