Các mô hình giá thường gặp- P2
Ở phần 1 các bạn đã đọc về mô hình giá thường gặp gồm: mô hình 2 đỉnh, mô hình nêm, mô hình chữ nhật, mô hình 2 đáy…. Sang phần 2 các bạn sẽ đọc tiếp mô hình tam giác, cờ đuôi nheo, giao dịch đảo chiều…
XEM LẠI : Các mô hình giá thường gặp – P1
1. Tam giác cân – Symmetrical triangle
Mô hình tam giác cân là mô hình mà đường nối các đỉnh bên trên và đường nối các đáy bên dưới tụ lại với nhau, tạo thành hình dạng giống một tam giác cân. Điều xảy ra ở đây là thị trường đang tạo ra những đỉnh thấp hơn và đáy cao hơn, nghĩa là cả phe mua lẫn phe bán không phe nào đủ sức đẩy giá đi xa để tạo ra một xu hướng rõ ràng. Nếu đây là một trận chiến giữa phe mua và phe bán thì kết quả hiện đang hòa, giá có xu hướng tích lũy trong biên độ hẹp dần.
mô hình tam giác cân
Trong biểu đồ bên trên, có thể thấy cả phe mua lẫn bán đều không thể đẩy giá đi theo chiều của họ muốn. Điều này thể hiện trên biểu đồ qua việc giá tạo các đỉnh thấp hơn và đáy cao hơn. Khi hai đường bên trên và dưới đến gần nhau hơn có nghĩa là khả năng phá vỡ sắp xảy ra. Chúng ta không biết giá sẽ đi theo chiều nào nhưng chúng ta có thể biết rằng thị trường sắp bùng nổ và giá sẽ đi về một phía. Vậy làm sao có thể giao dịch với mô hình này?
Chúng ta có thể đặt lệnh chờ bên trên cạnh trên và bên dưới cạnh dưới của tam giác. Vì chúng ta đã đoán được rằng giá sớm muộn gì cũng phá vỡ mô hình ở một phía nên chúng ta cứ chuẩn bị sẵn để đi theo hướng mà giá chọn.
giao dịch với mô hình tam giác cân
Trong ví dụ trên, nếu chúng ta đặt lệnh chờ mua ở trên cạnh trên mô hình tam giác, chúng ta sẽ có lợi nhuận tốt. Nếu bạn có đặt lệnh chờ bán ở dưới cạnh dưới của tam giác thì có thể hủy lệnh ngay sau khi giá đã kích hoạt lệnh ở trên.
Tam giác tăng – Ascending triangle
Mô hình này xuất hiện bao gồm 1 cạnh ngang bên trên và 1 cạnh dốc lên bên dưới cho tam giác. Mô hình này diễn ra do giá đã gặp 1 vùng kháng cự mà phe mua không thể đẩy giá vượt qua đó. Tuy nhiên, họ dần dần đẩy giá lên cao hơn, thể hiện qua việc tạo ra những đáy cao hơn ở bên dưới.
mô hình tam giác tăng
Trong biểu đồ bên trên, bạn có thể thấy rằng phe mua đang bắt đầu tăng thêm sức mạnh bởi vì họ luôn tạo ra những đáy cao mới. Phe mua tạo áp lực mạnh lên kháng cự ở bên trên và kết quả là sự phá vỡ xảy ra.
Câu hỏi được đặt ra sẽ là “Giá sẽ đi theo hướng nào? Phe mua sẽ phá được kháng cự hay kháng cự sẽ thắng?” Nhiều kiến thức sách vở cho rằng trong hầu hết trường hợp, phe mua sẽ thắng trận chiến và giá sẽ phá vỡ kháng cự. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi thì không phải lúc nào cũng như vậy. Đôi khi vùng kháng cự quá mạnh và phe mua không có đủ sức để phá vỡ vùng này.
Giá thường sẽ đi lên sau khi phá vỡ mô hình trong phần lớn trường hợp. Điều tôi muốn nói ở đây là bạn đừng quá ám ảnh vào việc giá sẽ đi bên nào, mà bạn hãy sẵn sàng cho việc nó đi bất cứ bên nào cũng được. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ đặt lệnh chờ mua phía trên đường kháng cự bên trên và lệnh chờ bán ở dưới cạnh dốc lên bên dưới.
giao dịch với mô hình tam giác tăng
Trong trường hợp này, phe mua đã thua trong cuộc chiến và giá đã giảm điểm. Bạn có thể thấy mức độ giảm điểm xấp xỉ với chiều cao của mô hình tam giác. Chúng ta đã có lợi nhuận nếu đặt lệnh chờ bán phía dưới cạnh dưới của mô hình tam giác này.
Tam giác giảm – Descending Triangle
Đây là mô hình ngược lại với tam giác tăng bên trên. Mô hình tam giác giảm bao gồm một hỗ trợ nằm ngang ở dưới và một cạnh trên dốc xuống với các đỉnh thấp dần.
mô hình tam giác giảm
Trong biểu đồ bên trên, bạn có thể thấy rằng giá dần dần tạo những đỉnh thấp hơn, ngụ ý rằng là phe bán đang thắng thế so với phe mua. Trong phần lớn trường hợp, giá sẽ phá vỡ đường hỗ trợ bên dưới và tiếp tục giảm điểm. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, khi mà hỗ trợ quá mạnh, giá sẽ bật lên trở lại và tạo thành hướng lên mạnh. Tin tốt ở đây là chúng ta không cần quan tâm đến việc giá sẽ đi đâu. Chúng ta chỉ cần biết rằng nó sẽ đi đâu đó và sẽ chuẩn bị sẵn kế hoạch giao dịch. Có thể đặt lệnh chờ bán phía dưới hỗ trợ và lệnh chờ mua phía trên cạnh trên của tam giác.
giao dịch với mô hình tam giác giảm
2. Cờ đuôi nheo giảm – Bearish Pennants
Cũng giống như chữ nhật, cờ đuôi nheo – pennant, là mô hình dạng tiếp diễn, hình thành sau một giai đoạn giá đi theo xu hướng mạnh. Sau một đợt tăng điểm hoặc giảm điểm manh, phe mua hoặc phe bán thường dừng lại để “lấy hơi” trước khi đẩy giá đi tiếp theo hướng của nó. Bởi vì vậy, giá thường tích lũy co hẹp lại và thể hiện một mô hình dạng giống một tam giác cân nhỏ, gọi là cờ đuôi nheo. Trong khi giá vẫn đang tích lũy, nhiều người mua và người bán quyết định nhảy vào thị trường, khiến cho giá bùng nổ ra khỏi mô hình cờ đuôi nheo và tiếp tục đi theo xu hướng trước đó. Một mô hình cờ đuôi nheo giảm thường hình thành sau một giai đoạn giảm điểm mạnh.
Sau khi giá giảm mạnh, nhiều người bán đóng lệnh để chốt lời trong khi một số người bán mới lại nhảy vào để đi theo xu hướng, khiến cho giá dao động sideway trong một biên độ hẹp.
cờ đuôi nheo giảm
Khi lượng người bán đã đủ mạnh, giá lập tức phá xuống mô hình cờ đuôi nheo giảm và tiếp tục đi theo hướng giảm.
giao dịch với cờ đuôi nheo giảm
Như bạn đã thấy, xu hướng giảm tiếp tục ngay sau khi giá phá xuống phần đáy của mô hình cờ đuôi nheo. Để giao dịch với mô hình này, chúng ta cần đặt lệnh bán ở phần đáy của cờ đuôi nheo với một dừng lỗ nằm phía trên cờ đuôi nheo. Làm như vậy để chúng ta có thể thoát lệnh nếu mô hình bị sai. Không giống như các mô hình khác là khoảng cách mà giá dự kiến đi được sẽ bằng với chiều cao của mô hình, mô hình cờ đuôi nheo có thể đẩy giá đi mạnh hơn. Thường thì độ dài của đoạn đã đi trước đó sẽ bằng với độ dài của đoạn dự kiến đi được sau khi mô hình cờ đuôi nheo bị phá.
Cờ đuôi nheo tăng – Bullish Pennants
Cờ đuôi nheo tăng – bullish pennant – cho tín hiệu rằng xu hướng tăng có thể sẽ tiếp tục. Điều này có nghĩa là đà tăng sẽ sớm quay lại sau giai đoạn tích lũy, khi mà phe mua đã tích trữ đủ năng lượng cần thiết để đẩy giá tăng điểm tiếp.
cờ đuôi nheo tăng
Trong ví dụ này, giá tạo hướng tăng mạnh trước khi dừng lại. Mô hình được tạo ra như là một khoảng nghỉ của giá.
giao dịch với cờ đuôi nheo tăng
Giống như chúng ta đã dự đoán, giá đã tiếp tục tăng mạnh sau khi phá vỡ mô hình. Để giao dịch, chúng ta đặt lệnh mua ngay trên mô hình cờ đuôi nheo và dừng lỗ nằm dưới đáy cờ đuôi nheo để tránh những tín hiệu sai.
3. Giao dịch đảo chiều
Mô hình đảo chiều là những mô hình tạo tín hiệu cho thấy xu hướng hiện tại có thể sẽ thay đổi. Nếu một mô hình đảo chiều hình thành trong một xu hướng tăng, nó gợi ý rằng xu hướng này có thể đảo chiều và giá có thể sẽ giảm. Ngược lại, nếu mô hình đảo chiều hình thành trong một xu hướng xuống, nó gợi ý rằng giá có thể sẽ đi lên sau đó.
Trong các bài học vừa qua, chúng ta đã học về 6 mô hình cho tín hiệu đảo chiều:
- Hai đỉnh – double top
- Hai đáy – double bottom
- Đỉnh đầu 2 vai – head and shoulders
- Đỉnh đầu 2 vai ngược – inverse head and shoulders
- Nêm tăng – rising wedge
- Nêm giảm – falling wedge
Để giao dịch với các mô hình này, cách đơn giản là đặt lệnh chờ ở khu vực đường cổ theo hướng của xu hướng mới. Sau đó, mục tiêu mà giá hướng đến khoảng xấp xỉ chiều cao của mô hình. Ví dụ, khi thấy mô hình hai đáy, bạn hãy đặt lệnh chờ mua ở phía trên đường cổ của mô hình và mục tiêu lợi nhuận sẽ xấp xỉ khoảng cách từ đáy đến đường cổ. Để quản lý rủi ro, đừng quên đặt lệnh dừng lỗ. Một mức dừng lỗ phù hợp có thể được đặt ở khoảng giữa của mô hình. Ví dụ, bạn có thể đo khoảng cách từ mô hình 2 đáy đến đường cổ rồi chia làm 2 và dùng nó làm khoảng dừng lỗ cho giao dịch của mình.
Giao dịch tiếp diễn
Mô hình tiếp diễn là những mô hình đưa ra tín hiệu rằng xu hướng hiện tại sẽ tiếp tục. Thông thường, đây được xem là những mô hình tích lũy bởi vì nó cho thấy phe mua hoặc phe bán dừng chân nghỉ trước khi đẩy giá đi tiếp theo hướng mà giá đã đi trước đó. Dưới đây là một số mô hình tiếp diễn, bao gồm: nêm, chữ nhật và cờ đuôi nheo. Lưu ý rằng nêm có thể được xem là mô hình đảo chiều hoặc tiếp diễn tùy theo xu hướng trước đó của nó.
Để giao dịch với những mô hình này, đơn giản là đặt một lệnh chờ phía trên hoặc phía dưới của mô hình (dựa theo hướng đi của xu hướng trước đó), rồi chọn mục tiêu lợi nhuận bằng ít nhất độ cao của mô hình nêm hoặc chữ nhật. Đối với cờ đuôi nheo, bạn có thể đặt mục tiêu xa hơn và mục tiêu là độ cao của cán cờ đuôi nheo. Đối với mô hình tiếp diễn, điểm đặt lệnh dừng lỗ thường là bên trên hoặc bên dưới mô hình. Ví dụ, khi giao dích với mô hình chữ nhật giảm, đặt lệnh dừng cách vài pips ở phía trên của kháng cự của mô hình chữ nhật.
Giao dịch theo cả 2 phía
Mô hình hai phía thì có nhiều rủi ro hơn bởi vì tín hiệu phát ra cho thấy giá có thể đi bất cứ hướng nào. Tiêu biểu ở đây là mô hình tam giác, khi giá có thể phá cạnh trên hoặc cạnh dưới.
Để giao dịch với mô hình này, bạn cần chú ý đến cả 2 khả năng (phá vỡ bên trên hoặc phá vỡ bên dưới) và đặt một lệnh chờ mua ở phía trên mô hình và 1 lệnh chờ bán phía dưới mô hình. Nếu một lệnh đã khớp thì bạn hủy lệnh còn lại. Bằng cách này, bạn sẽ theo kịp hành động của giá. Vấn đề khó khăn ở đây là nhiều khi bạn sẽ bắt phải tín hiệu phá vỡ sai khi mà bạn đặt lệnh chờ quá gần với vùng đỉnh hay vùng đáy của mô hình. Vì vậy, cũng nên cẩn thận và đừng quên đặt lệnh dừng lỗ nhé.
Trên đây là những mô hình giá thường gặp khi các bạn giao dịch Forex theo phân tích kỹ thuật. Mong rằng những mô hình giá này giúp ích cho quá trình giao dịch của các bạn.
Happy Trading !!